Những vấn đề cốt lõi nào trong Luật Doanh nghiệp cần phải biết trước tiên khi bước ra kinh doanh?

Chủ doanh nghiệp, CEO muốn tham gia cuộc chơi kinh doanh lâu dài thì cần phải nghiên cứu trước tiên đó là những vấn đề cốt lõi của Luật Doanh nghiệp.

Không ai có thể tham gia vào sân chơi thành công khi người đó không biết luật chơi. Nhưng trên thực tế đáng buồn cho thấy hiện nay có rất nhiều chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp (gọi chung là nhà quản lý) gần như không biết chút gì về Luật Doanh nghiệp, thậm chí chưa từng thấy qua Luật Doanh nghiệp, hỏi về điều lệ của doanh nghiệp của mình cũng ú ớ gần như không biết gì luôn. Vì vậy, nhà quản lý không biết về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cứ làm bừa và luôn lo lắng, sợ sai, sợ vi phạm pháp luật, không an tâm trong suốt quá trình hoạt động…, thực tế hầu hết là đều có sai thật, có những trường hợp còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với doanh nghiệp. Vì không hiểu Luật, nên khi quan hệ kinh tế họ cũng không hiểu về quyền và nghĩa vụ của đối tác, trách nhiệm của mình hay đối tác, rất dễ bị lừa, nên có khi phát sinh tranh chấp phải đưa ra tòa xử thị phần lớn họ đều bị thua kiện… Vì vậy, nhà quản lý muốn tham gia trò chơi kinh doanh thành công và lâu dài thì nhất thiết phải nghiên cứu kỹ ngay Luật Doanh nghiệp.

Những vấn đề cốt lõi của Luat Doanh nghiepp

Đừng xấu hổ khi bạn không biết, ta chỉ xấu hổ khi không chịu học

Tất nhiên, để nghiên cứu Luật Doanh nghiệp thì phải đọc toàn bộ nó rồi, thậm chí có những chỗ còn cần phải đọc tới đọc lui nhiều lần để nắm cho thật chắc. Nhưng một điều cần lưu ý trước tiên đó là nhà quản lý không nên chỉ nghiên cứu sâu những nội dung liên quan đến loại hình doanh nghiệp mình, mà còn cần nghiên cứu cả những loại hình doanh nghiệp khác, bởi vì trong quan hệ kinh tế sẽ trở thành đối tác của nhau. Sau đó, nhà quản lý nghiên cứu thật kỹ điều lệ của doanh nghiệp mình để biết một số nội dung trong Luật Doanh nghiệp được cụ thể hóa trong doanh nghiệp mình như thế nào? Trong phạm vi bài viết này tôi không nêu ra và phân tích toàn bộ các nội dung trong Luật Doanh nghiệp vì sẽ rất dài, Tôi sẽ chỉ lưu ý nhà quản lý về một số nội dung quan trọng mà theo tôi cần phải nắm chắc, bao gồm:

Một là cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Một trong những nội dung cốt lõi trong Luật Doanh nghiệp đó là qui định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, thể hiện chi tiết tại Điều 7 và Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014. Đối với quyền của doanh nghiệp thì doanh nghiệp muốn thực hiện hay không thực hiện cũng được, miễn sao có lợi là được. Tuy nhiên, đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp buộc phải thực hiện, vì nếu không thực hiện thì sớm muộn gì cũng sẽ gánh lấy những hậu quả khó lường, có nhiều việc phiền toái rất nhỏ nhưng khi để xảy ra thì phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để giải quyết chúng, có khi còn ảnh hướng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Khi đã nắm chắc quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ loại bỏ được tâm lý sợ sai, e dè trong hoạt động kinh doanh, từ đó họ sẽ thoải mái tư tưởng chuyên sâu vào việc kinh doanh của mình.

Hai là cần nắm vững về qui định góp vốn và đặc điểm trách nhiệm tài chính của từng loại hình doanh nghiệp nếu xảy ra rủi ro. 

Chủ doanh nghiệp tư nhân là người duy nhất bỏ vốn kinh doanh trong doanh nghiệp mình, tự đăng ký vốn và trong quá trình hoạt động có quyền tăng hoặc giảm số vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với cơ quan kinh doanh khi giảm số vốn xuống dưới mức đăng ký. Trong khi đó, đối với công ty hợp danh thì thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết; Đối với công ty TNHH thì thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và việc chuyển nhựơng vốn góp được qui định rất chặt chẽ. Đối với loại hình công ty cổ phần thì cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Các nhà quản lý cần hết sức lưu ý đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp về trách nhiệm tài chính nếu có xảy ra rủi ro, tức là đối với mọi khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp thì: đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân,  chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới không chỉ trong phần vốn đã góp, mà phải sử dụng luôn các tài sản cá nhân của mình để thanh toán các khoản nợ hay nghĩa vụ tài sản đó; đối với công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. nhưng thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty; đối với các loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần thì các thành viên góp vốn hay cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp, cổ phần mà thôi. Nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong đó  để các nhà quản lý cân nhắc thật chắc năng lực tài chính của doanh nghiệp mình cũng như của đối tác khi quyết định thực hiện các hợp đồng kinh tế.

Ba là sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì phải thực hiện thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và cũng bắt buộc phải đăng bố cáo. Chức năng của cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để: Cập nhật cung cấp tới người dân đúng các thông tin về doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp trên cả nước; hướng dẫn các nghiệp vụ, hồ sơ và thủ tục đăng ký doanh nghiệp; tra cứu tên, đăng ký doanh nghiệp qua điện tử và thực hiện các quy định về công bố nội dung đăng ký thành lập, thay đổi doanh nghiệp; sau khi thành lập công ty bạn cần tìm hiểu thêm những thủ tục cần thực hiện, thuế … Nhưng một điều tôi hết sức lưu ý đối với các nhà quản lý là đây cũng là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng để tham khảo về những thông tin của các doanh nghiệp đối tác, nhằm củng cố niềm tin hoặc không nên thiết lập quan hệ đối tác kinh tế.

Bốn, phải hiểu thật rõ về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân đăng ký thành lập, làm chủ và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đây là điểm hết sức lưu ý khi ký kết hợp đồng kinh tế, chúng ta cần phải biết điều lệ công ty đối tác ai mới là người đại diện theo pháp luật, có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế hay không? Nếu không có thẩm quyền theo điều lệ công ty thì có ủy quyền hợp pháp hay không? (Khi đó mình phải yêu cầu họ cung cấp tài liệu chứng minh và phải thể hiện ngay trong hợp đồng kinh tế sự ủy quyền đó).  Thực tế cho thấy có những trường hợp một vài doanh nghiệp không chân chính đã lợi dụng sự hiểu biết không sâu về đại diện pháp nhân của một số doanh nghiệp khác để cố ý lừa đảo, vụ lợi và khi đưa ra tòa xử thì hợp đồng kinh tế vô hiệu do người ký hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Các nhà quản lý nên hết sức quan tâm  vấn đề này nhé!

Năm là doanh nghiệp cần đối chiếu xem những ngành nghề kinh doanh của mình có thuộc trường hợp kinh doanh có điều kiện hay không để thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định.

Ngoài những lưu ý cần nghiên cứu sâu về Luật Doanh nghiệp nêu trên, thì một nội dung khác cũng vô cùng quan trọng, đó là tất cả các doanh nghiệp cần rà soát, đối chiếu những ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mình với qui định danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu doanh nghiệp mình có những ngành nghề kinh doanh thuộc loại có điều kiện thì phải nghiên cứu thật kỹ những qui định liên quan và thủ tục cần thiết để sớm thực hiện hoàn tất. Không đủ điều kiện mà tiến hành kinh doanh thì thông thường bị xử phạt hành chính rất nặng đó nhe mọi người, các bạn không nên để điều đáng tiếc đó xảy ra.

Có lẽ bài viết cũng khá dài rồi, tôi xin tạm dừng tại đây. Nếu có gì chưa rõ thì hãy chat trực tiếp với tôi, Ngoài ra, nếu các bạn thấy có vấn đề gì đó cần tìm hiểu sâu thì cứ gợi ý, tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian viết bài cùng trao đổi nhé. Các nhà quản lý cũng nên dành ra chút thời gian để tham gia các khóa học online, chi phí đầu tư rất thấp và không tốn nhiều thời gian, có thể học mọi lúc mọi nơi. Các bạn có thể tham khảo vài khóa học dưới đây để bổ sung kiến thức quản lý nhé:

  • “Khởi nghiệp thực chiến từ A – Z”  tại đây.
  • “Khởi nghiệp không sợ thất bại” tại đây.
  • “Khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu” tại đây
  • “Biến mọi thứ thành tiền” tại đây.

Chúc các bạn thành công !!!

                                                                                                                    Th.sĩ  Võ  Văn Châu

 

Bài viết liên quan:mời tham khảo

 Nhà quản lý cần phải có những kiến thức nhất định về kế toán tài chính.

: